MẠNG ALOO HOÁ GIẢI THÁCH THỨC CỦA NGƯỜI VIỆT TRÊN ĐẤT NHẬT
01/10/2024
Theo Phóng viên Quỳnh Chi | Báo theleader.vn
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội Nhật Bản, chỉ có 25 người Việt Nam sống ở Nhật Bản vào năm 1950, con số này tăng lên hơn 41 nghìn vào năm 2010.
Đặc biệt, số người Việt Nam tại Nhật có mức tăng đột biến khoảng mười lần trong mười năm tiếp theo, đến nay đã đạt hơn 600 nghìn người.
Người Việt Nam tại Nhật làm nhiều công việc khác nhau từ những thực tập sinh kỹ năng, du học sinh làm các công việc 3K (kitsui, kitanai, kiken – khó nhọc, bẩn thỉu, nguy hiểm) cho đến các nhà quản lý kinh doanh, chuyên gia công nghệ thông tin (IT).
Dù có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, người Việt Nam ở Nhật vẫn luôn phải đối mặt với những thách thức vô hình: xa lạ với ngôn ngữ, bị cô lập trong xã hội tiên tiến và khó tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Ngôn ngữ là một trong những thách thức lớn nhất, khi phần lớn người Việt sang Nhật chỉ có đủ trình độ tiếng Nhật cơ bản để đáp ứng công việc. Điều này khiến họ khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như ngân hàng, viễn thông và y tế.
Thêm vào đó, những định kiến xã hội và truyền thông tiêu cực về người Việt tại Nhật cũng khiến nhiều người cảm thấy bị cô lập và ít được chào đón.
Các dịch vụ viễn thông truyền thống cũng thường không dành cho nhóm khách hàng người Việt, dẫn đến tình trạng phải lựa chọn hòa mạng qua các kênh không chính thống, dễ gặp rủi ro về pháp lý và bảo mật.
Cụ thể, nhiều người Việt ở Nhật phải tìm mua SIM qua mạng xã hội hoặc các kênh bán không chính thức. Tuy nhiên, hình thức này tiềm ẩn hai rủi ro lớn.
Thứ nhất, người mua thường phải trả trước sáu tháng hoặc thậm chí một năm. Không ít trường hợp SIM chỉ hoạt động được vài tháng rồi ngừng dịch vụ, khiến người dùng mất trắng số tiền đã bỏ ra.
Thứ hai, việc phải cung cấp giấy tờ tùy thân cho những người bán không rõ danh tính trên mạng là một rủi ro lớn. Thông tin cá nhân, đặc biệt là giấy tờ ở Nhật Bản, có giá trị rất cao và có thể bị lạm dụng cho các mục đích xấu mà người mua không hề hay biết.
Điều này dẫn đến nhu cầu bức thiết về một giải pháp viễn thông uy tín, thuận tiện và tiết kiệm chi phí cho người Việt Nam tại Nhật.
Sinh sống và làm việc ở Nhật được một thời gian, nhà sáng lập Rikai Technology Đoàn Hải Bằng khi còn làm ở một tập đoàn lớn về công nghệ từng được bạn nhờ mua SIM hộ vì không biết làm thế nào để đăng ký.
Tuy nhiên, ông Bằng không thể giúp vì ông đã đăng ký SIM cá nhân của mình. Người đó được khuyên lên mạng xã hội tìm mua, và cuối cùng sau hai tháng mới có SIM để liên lạc.
Những câu chuyện như vậy của cộng đồng người Việt trên đất Nhật Bản tiên tiến và văn minh khiến ông Bằng không ngừng suy nghĩ, thôi thúc ông phải làm gì đó để người Việt vốn mang theo những giấc mơ đẹp đẽ, trí tuệ và sức lao động sang Nhật Bản cũng cần được tôn trọng và được phục vụ chu đáo như những khách hàng thực sự.
Đồng hành và cổ vũ cộng đồng người Việt ở Nhật
Được biết đến như một nhà cung cấp dịch vụ phần mềm gia công với hơn 200 nhân sự và doanh thu hàng triệu USD Mỹ, Rikai đã quyết định lấn sân sang lĩnh vực viễn thông với mạng viễn thông Aloo nhằm đáp ứng nhu cầu liên lạc cho cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.
Đây là một bước tiến quan trọng không chỉ cho Rikai mà còn đánh dấu một sự khác biệt trong cách cộng đồng người Việt được phục vụ tại đất nước mặt trời mọc.
Aloo ra đời với vai trò là mạng viễn thông ảo (MVNO) đầu tiên tại Nhật dành riêng cho người Việt, xa hơn là hướng đến cộng đồng người nước ngoài ở Nhật Bản.
Được Rikai Technology phát triển dựa trên hạ tầng mạng của NTT Docomo, một trong những nhà mạng lớn nhất Nhật Bản, Aloo đã tùy chỉnh các gói cước để phù hợp với nhu cầu sử dụng của cộng đồng người Việt tại đây.
MVNO, hay còn gọi là nhà mạng di động ảo, là một mô hình cho phép các công ty không sở hữu hạ tầng mạng vẫn có thể cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách thuê lại băng thông từ các nhà mạng lớn như Docomo.
Với sản phẩm Aloo, Rikai có thể trở thành một mảnh ghép quan trọng đang bị bỏ ngỏ ở thị trường viễn thông của Nhật Bản.
Theo ông Bằng, điểm mạnh của Aloo nằm ở tính linh hoạt và sự đơn giản trong quy trình đăng ký. Khách hàng chỉ cần cài đặt ứng dụng Aloo, tự đăng ký thông tin cá nhân và nhận eSIM ngay trên điện thoại.
Với hệ thống thanh toán tích hợp tại 300.000 điểm giao dịch trên toàn nước Nhật, người dùng có thể thanh toán bằng tiền mặt tại các cửa hàng tiện lợi mà không cần tài khoản ngân hàng, một điểm đặc biệt hữu ích cho những người mới sang Nhật và chưa thiết lập tài khoản ngân hàng.
Điều khiến Aloo trở nên nổi bật trên thị trường không chỉ nằm ở việc cung cấp dịch vụ viễn thông mà còn là tinh thần phục vụ khách hàng chuyên nghiệp, chuẩn Nhật nhưng do chính doanh nghiệp Việt Nam vận hành.
Điều này đã tạo ra một sự khác biệt lớn so với các đối thủ trong nước, khi Aloo hướng đến việc phục vụ khách hàng như những khách hàng thực sự chứ không đơn thuần chỉ là những lao động xa xứ.
"Cộng đồng người Việt tại Nhật thường rất tự ti khi bước vào cửa hàng Nhật. Với Aloo, chúng tôi muốn thay đổi điều đó bằng cách mang đến dịch vụ viễn thông với trải nghiệm cao cấp, nơi mọi người đều được tôn trọng và phục vụ như những khách hàng thực sự", ông Bằng nói.
Nhà sáng lập Rikai cho biết, Aloo không chỉ dừng lại ở việc cung cấp một dịch vụ viễn thông tiện lợi mà còn mang theo sứ mệnh đồng hành và cổ vũ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, nâng cao chất lượng cuộc sống của họ, tôn trọng họ và giúp họ tự tin có cuộc sống bình đẳng hơn trong xã hội Nhật.
Một trong những vị khách đầu tiên của Aloo là một cô gái trẻ sang Nhật du học. Trước khi sang Nhật, cô đã nhờ mẹ đăng ký mua SIM của Aloo để có thể liên lạc ngay khi đặt chân xuống sân bay. Mới đầu vị phụ huynh còn tỏ ra nghi ngờ, không nghĩ lại có một doanh nghiệp Việt Nam lại có thể thành lập một mạng viễn thông ở Nhật Bản. Tìm hiểu kỹ thông tin, cô quyết định mua gói cước trong vòng 1 năm cho con gái.
"Khi cô gái hạ cánh và gọi về cho mẹ là khoảnh khắc mà tôi hiểu rõ giá trị thực sự của dịch vụ chúng tôi cung cấp. Giá trị đồng hành và cổ vũ của Aloo đang được đón nhận" ông Bằng nhớ lại.
Khi đã đạt được những thành công bước đầu, ông Bằng nhìn lại và thừa nhận, việc triển khai mạng Aloo không hề dễ dàng. Trước đó, ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ mở một mạng viễn thông. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với Docomo và khám phá khái niệm MVNO, ông nhận ra rằng đây chính là con đường mà mình cần đi.
Khó khăn thứ hai nằm ở việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về bảo mật thông tin người dùng tại Nhật. Để có thể chính thức cung cấp dịch vụ, RIKAI phải đảm bảo hệ thống đạt tiêu chuẩn cao về bảo mật và bảo vệ quyền lợi khách hàng.
"Nhật Bản là một quốc gia rất coi trọng uy tín doanh nghiệp. Khi được chứng nhận về độ uy tín, chúng tôi đã cảm thấy tự tin hơn rất nhiều", ông Bằng chia sẻ.
“Mạng Aloo không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro lừa đảo khi mua SIM qua mạng xã hội mà còn mang lại sự yên tâm cho người dùng khi tất cả các dịch vụ đều được pháp nhân tại Nhật Bản đứng ra chịu trách nhiệm”, ông Bằng khẳng định.
Sau quá trình ra mắt, quan sát và đánh giá thị trường cũng như tinh chỉnh sản phẩm, Aloo đang hướng tới mục tiêu hơn 10 nghìn người dùng trong năm tới.
Theo ông Bằng, Aloo đặt mục tiêu phục vụ hơn 600 nghìn người Việt tại Nhật và trong tương lai sẽ mở rộng sang các cộng đồng nước ngoài khác ở xứ sở mặt trời mọc.
Đọc thêm bài viết gốc tại đây: MẠNG ALOO HOÁ GIẢI THÁCH THỨC CỦA NGƯỜI VIỆT TRÊN ĐẤT NHẬT